Nguồn gốc và ý nghĩa Lễ Vu Lan Báo Hiếu 2022

09-08-2022
Điện Máy Thiên Nam Hòa
1985

Mục lục

Nguồn gốc và ý nghĩa Lễ Vu Lan Báo Hiếu 2022

Ngày rằm tháng 7 âm lịch- Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu lại đến, gợi lên cảm xúc trào dâng trong những đứa con là những hình ảnh về những đấng sinh thành- những người đã tạo tác ra ta, cho ta vóc dáng, hình hài, sự nghiệp. Qua hàng nghìn năm lịch sử chứng minh, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần không những của những người con Phật, mà đây còn là ngày tri ân đến những công ơn đến cha mẹ, tổ tiên của mỗi một người dân Việt Nam. Vậy nguồn gốc và ý nghĩa ngày Lễ Vu Lan Báo Hiếu 2022 là gì, hãy cùng Thiên Nam Hòa tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.


1: Nguồn gốc của ngày Lễ Vu Lan


Trong cung bậc tri ân và báo hiếu của toàn dân tộc, Phật giáo đã từ lâu luôn trân trọng và lấy đạo hiếu làm đầu. Sự tương phùng của tinh thần đó đã dẫn dắt nên những tấm gương hiếu hạnh trong truyền thuyết cho đến hiện tại, sáng rực và ghi mãi dấu ấn với thời gian.


Hằng năm, theo thường lệ cứ đến ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm, Phật Giáo long trọng tổ chức đại lễ Vu lan – Báo hiếu thật trang nghiêm, hoành tráng từ hình thức tổ chức cho đến nội dung mang ý nghĩa nhân văn trên bình diện tâm linh – văn hóa của con người Việt. Lễ hội xuất phát từ điển tích của Phật giáo được ghi lại chi tiết trong kinh Vu Lan Bồn.


Vu Lan” là danh từ gọi tắt cho từ  “Vu Lan Bồn”, tiếng Phạn là Ullambana. “Ullam” dịch là “treo ngược” (đảo huyền), dụ cho cái khổ của người chết như bị treo ngược, cực kỳ thống khổ. Chữ “bồn” tiếng Phạn là “bana”, dịch là “cứu giúp”. Như vậy “Vu Lan Bồn” là giải cứu tội bị treo ngược.


Báo hiếu” được xem như là sự đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ hiện tiền và cha mẹ nhiều đời, kiếp của chúng ta. Lễ Vu Lan của Phật giáo theo truyền thuyết thì nó xuất phát từ thời Đức Phật. Bằng đại bi tâm của ngài, Đức Phật đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác qua nhiều cách khác nhau. 


Nguồn gốc của lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Đức Mục Kiền Liên báo hiếu đã cứu mẹ của mình thoát ra được khỏi kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục và được sanh lên cõi trời. 

vu lanNguồn gốc lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Đức Mục Kiền Liên báo hiếu cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục

Theo truyền thuyết kể lại, mẹ của Mục Kiền Liên là bà Thanh Đề theo đạo Bà La Môn, bà là người có lối sống rất xa hoa, tham lam, độc ác và không tin vào ba ngôi Tam Bảo. Mỗi ngày thì bà thường nấu rất nhiều thức ăn và làm vương vãi chúng khắp nơi trên mặt đất. 


Đức Mục Kiền Liên lúc đó là đứa bé, lúc còn nhỏ đã có tính tình trái ngược hoàn toàn với mẹ của mình. Cậu bé luôn nhặt lại những hạt cơm mà bà đã làm rơi xuống, rửa sạch rồi ăn. Thế nên, tất cả những người mà cậu quen biết đều yêu mến và khen ngợi Kiền Liên là một cậu bé ngoan, hiếu thảo và qua đó cũng xem Mục Kiền Liên như là một tấm gương để giáo dục cho con em của mình noi gương. 


Sau khi mẹ của ông qua đời, Mục Kiền Liên đã xuất gia theo học Phật, và trở thành đệ tử của Đức Phật, ông là một trong mười vị đệ tử xuất chúng của Đức Thế Tôn. Khi Mục Kiền Liên vừa chứng được lục thông, liền nhớ tới mẹ mình, Tôn giả bèn dùng huệ nhãn kiếm tìm, liền thấy mẹ đang ở trong loài ngạ quỷ hết sức đói,khổ, bị đày đọa. 


Với đức hiếu hạnh, thương mẹ vô vàn thì Ngài đã vận dụng thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ. Do tâm bà Thanh Đề còn quá sân tham và ác nghiệp thọ báo còn quá nặng nề nên bà không thể nào có thể dùng cơm vì bát cơm biến thành lửa. Nhìn thấy mẹ vậy, ngài vô cùng đau đớn, không biết dùng cách nào để cứu mẹ mình thoát khỏi cảnh khổ, Ngài liền về hỏi đức Thế Tôn. Đức Phật liền dạy:


“Tội lỗi của mẹ ngươi dù có dùng thần thông phép lạ của hàng thiên thần địa kỳ cũng không cứu được, duy chỉ nhờ thần lực của chúng Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ, tin tấn tu hành thanh tịnh, tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hóa được nghiệp lực, mẹ ngươi mới thoát được cảnh khổ”.

Nghe vậy, Tôn giả mục Kiền Liên liền khẩn cầu đức Thế Tôn : “Bạch Thế Tôn, con nay làm sao mời được chư Tăng mười phương cúng dường một lúc như vậy được ?”.


Đức Phật liền ân cần dạy: “Ngày Vu Lan cũng là ngày Tự Tứ của chư Tăng, ông nên sắm các thứ cúng dường trong ngày Tự Tứ. Ngày đó dù các vị ở trong thiền định hay thọ hạ kinh hành, hay hóa độ nhân gian, cũng tập trung lại để Tự Tứ và cầu nguyện cho mẹ người được thoát khổ”.

vu lan
Tôn giả liền thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn, và chính ngay trong ngày đó thì mẹ Tôn giả thoát được cảnh khổ ngạ quỷ mà được sanh lên cõi trời. Tôn giả cũng vô cùng hoan hỷ và thỉnh cầu Đức Phật: “Sau này có chúng sanh nào muốn phát tâm hiếu để cầu nguyện cho cha mẹ thoát khổ được vui, họ có được làm như con không?”.


Thế Tôn bảo rằng: “Có thể được làm như vậy trong ngày Tự tứ để cha mẹ đời này và nhiều đời được siêu độ giải thoát”.


Từ đó cho đến nay trong Phật giáo truyền lại một pháp thức cứu độ cho các bậc tiền nhân quá vãng siêu thoát về cảnh giới an lành, được thực hiện trong ngày Vu Lan - Tự Tứ. Vậy nên, vào những ngày này, dù bạn là ai, ở đâu cũng nên đến chùa để tham dự lễ Vu Lan - Báo Hiếu, thắp một nén hương lòng cầu nguyện cho cha mẹ hoặc đời này hay nhiều đời được siêu độ, còn đối với người đang hiện hữu nhờ công đức này mà an lành hạnh phúc trong cuộc sống nhân sinh.

 

Cũng kể từ khi Phật Giáo truyền vào Việt Nam, mùa Vu Lan đã trở thành truyền thống cho sự báo hiếu. Cho đến hôm nay, lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người” với bất cứ ai đang hiện hữu trên cõi đời này. Hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, nối kết ân tình nghĩa cảm giữa người còn kẻ mất là truyền thống cao đẹp trong dòng chảy văn hóa tình người của dân tộc Việt Nam. 

 

2. Ý nghĩa ngày Vu Lan 


Vu Lan bồn là ngày lễ báo hiếu vô cùng cao đẹp của Phật giáo nói riêng và là ngày lễ hội báo hiếu nói chung của mọi người con hiếu trên thế gian này. Lễ Vu Lan này mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và cao cả, giúp cho con cái nghĩ nhớ đến công ơn của cha mẹ, đấng sinh thành cao cả, khơi dậy trong lòng họ một tinh thần báo hiếu đáng quý, đáng trân trọng. 

lễ vu lan
Mỗi người con Phật hãy nhận thức sâu sắc lời Phật, mỗi mùa Vu Lan về càng phải nỗ lực tinh tấn thực hành hạnh hiếu để có thể báo đáp thâm ân rộng lớn của cha mẹ. Cũng từ xưa, thờ kính cha mẹ đã trở thành một đạo lý sống của dân tộc Việt Nam, đồng thời đây cũng là một đạo lý sống của hàng Phật tử khi khẳng định được đạo Phật là đạo hiếu.


Một nét đẹp biểu tượng cho ngày Vu lan là chương trình bông hồng cài áo. Trong buổi lễ thiêng liêng và trọng đại ấy, ai còn cha mẹ sẽ sung sướng được cài lên ngực áo một đoá hoa hồng tươi thắm. Cũng buồn thay cho ai mất mẹ lại buồn tủi cài lên ngực đóa hồng trắng nhớ thương. 


Nghi lễ này đã được thực hiện từ thập niên 60 do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng.Thế nhưng, bất kể dù còn cha mẹ hay đã mất thì mỗi người con lúc này đang dâng lên một tình cảm biết ơn mẹ cha sâu lắng nhất, và mỗi người hãy phát tâm niệm sẽ sống hết lòng với bổn phận làm con có hiếu với cha mẹ của mình. 


Nói về đạo hiếu thì kinh điển của đạo Phật đã đề cập đến rất nhiều, ngoài kinh Vu Lan Bồn ra, còn có một số kinh khác như kinh Nhẫn Nhục, Đại Tập, Tứ Thập Nhị Chương, A Hàm, Tăng Chi … đây là những kinh có lời lẽ rất thống thiết, sinh động, để lại dấu ấn tâm linh sâu sắc cho người đọc thực thi đạo sống làm người có hiếu.

vu lan
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người khởi xướng ra nghi lễ Bông hồng cài áo

Cụ thể, ngay trong bản kinh Tứ Thập Nhị Chương cũng đã trình bày rõ quan điểm : “Phàm làm người phụng thờ quỷ thần, không bằng phụng thờ cha mẹ, cha mẹ là vị thần tối thượng”. Còn kinh Đại Tập thì nói rằng: “Nếu ở đời không có Phật thì hãy theo phụng thờ cha mẹ cũng như phụng thờ Phật”.


Là người Việt Nam, hẳn là ai cũng biết đôi câu lục bát: 

Công cha như núi Thái Sơn - Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra 

Công sinh dưỡng của cha mẹ là vô tận, có lẽ không một từ nào có thể biểu đạt được công ơn sâu rộng này. Mỗi người con sinh ra và đã trưởng thành, đối với mỗi người cha người mẹ bao giờ cũng là niềm tự hào đồng thời là kết quả của những nỗ lực vượt qua bao nhiêu khó khăn vật chất - tinh thần. 


Cũng vì thế mà công cha - nghĩa mẹ thấm sâu vào tận sâu đáy lòng mỗi con người, mỗi gia đình, dòng họ, thấm sâu vào nề nếp sinh hoạt của cộng đồng, nên mỗi người con, người cháu phải ứng xử sao cho xứng đáng với đức cù lao của những đấng sinh thành.


Là một trong các nguyên tắc của đạo lý sống, trong truyền thống dân tộc, đạo hiếu là đạo thiết thực nhất đối với từng người con Việt, đâu phải chỉ lúc cha mẹ lâm chung, mà chính là những năm tháng cha mẹ còn tại thế cũng như lúc những lúc người yếu, đau thì cần phải được phụng dưỡng cả vật chất lẫn tinh thần.

vu lan
Bên cạnh đó, ý nghĩa rộng hơn của Vu lan không những dành cho chữ “hiếu”, mà còn là ngày "xá tội vong nhân", như chúng ta vẫn nói đến câu: "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân". Xưa kia cha ông cũng đã quan niệm rằng, sống ở trong cuộc đời không phải ai ai mất đi cũng có người thân cúng giỗ cho. 


Ngày lễ Vu Lan Năm 2022


Lễ Vu Lan còn gọi là Lễ báo hiếu, đại lễ nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Theo đó, Lễ Vu Lan Phật lịch 2566- dương lịch 2022 sẽ rơi vào Thứ sáu, ngày 12 tháng 8 dương lịch (15/7 âm lịch). Vậy nên bạn hãy sắp xếp thời gian đến chùa thành tâm thắp nén hương thơm cầu mong cho cha mẹ hiện tiền được sức khỏe, bình an, thanh tâm an lạc, đã xa qua đời thì ác đạo được xa lìa sớm sanh vào cõi tịnh độ nhé. 


Cho đến hiện tại, đại dịch Covid đã cướp đi hơn 43.000 người ở Việt Nam, trong đó có những người cha, người mẹ đã vĩnh viễn ra đi không một lần trở lại. Trong những ngày lễ Vu Lan này, ta càng biết trân trọng hơn nữa tình cảm thiêng liêng cao cả ấy, càng thương cha mẹ mình nhiều hơn, lỡ một mai vô thường lấy mất bạn nhé. Siêu Thị Điện Máy Thiên Nam Hòa chúc bạn có một mùa Vu Lan thắng hội.